Việc giao dịch chứng khoán đôi lúc được xem là cuộc chơi của những “Tay to”, “Cá lớn” với việc tạo ra “giao dịch ảo” nhằm kéo nhà đầu tư nhỏ vào tròng để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Vì vậy, với tư cách là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chúng ta cần phải minh mẩn trước những chiêu trò, những mánh khóe của tay to. Bằng việc cập nhật kiến thức cho bản thân, bạn có thể phát hiện và hành động cẩn trọng trước những chiêu trò đấy.
Dưới đây là 10 kỹ thuật mà “Tay to” hay dùng để tạo ảo giác về giao dịch nhằm đánh lừa nhà đầu tư nhỏ cả tin và thiếu kinh nghiệm.
1 - Bán cổ phiếu giá sàn tạo tâm lý hoảng loạn
2 – Mua cổ phiếu giá trần tạo tâm lý hưng phấn
3 - Bán chặn giá trên
4 - Mua chặn giá dưới
5 - "Rải đinh" che giá mua thật
6 - "Rải đinh" che giá bán thật
7 - "Rải đinh" để khớp mua giá thấp
8 - "Rải đinh" để khớp bán giá cao
9 - Đè sàn (Fl)
10 - Đẩy trần (Ce).
1/ Bán cổ phiếu giá sàn tạo tâm lý hoảng loạn :
Đây là cách mà “Tay to” thường sử dụng khi họ muốn mua cổ phiếu ở giá rẻ hơn so với giá thị trường. Họ sẽ chủ động bán cổ phiếu giá sàn ào ạt ở tài khoản A để tạo tâm lý hoảng loạn nơi các NĐT nhỏ.
Trước hiện tượng tranh bán, NĐT nhỏ thường suy luận rằng có thể công ty này có tin xấu nên người ta mới bán tháo cổ phiếu và nhao nhao bán ra theo giá sàn. Khi đó, NĐT lớn sẽ dùng tài khoản B ung dung mua lại số cổ phiếu do chính mình vừa đặt bán và thu mua thêm cổ phiếu của các NĐT khác bán ra ở giá rẻ. Khi NĐT lớn thấy lượng cổ phiếu cần mua đã mua đủ, họ sẽ dừng "diễn kịch" với thị trường Việt Nam có thể sử dụng cả 3 phiên GD và lưu ý đến khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty đó.
2/ Mua cổ phiếu giá trần tạo tâm lý hưng phấn :
Đây gọi là “lùa bầy cừu vô trại”. Khi muốn bán được cổ phiếu ở giá cao, “Tay to” sử dụng tài khoản A đặt mua một Số Lượng lớn cổ phiếu ở giá trần, nhằm tạo tâm lý hưng phấn cho các NĐT khác.
Khi thấy một lượng lớn cổ phiếu được đặt mua giá trần, nhiều người cho rằng, chắc là công ty này có tin tốt, nên người ta mới dám mua cao như thế và cũng đặt mua ào ào theo giá trần. Khi đó, NĐT lớn sẽ dùng tài khoản B bán dần cổ phiếu ra ở giá thấp, với số lượng bán lớn hơn số lượng đặt mua ở tài khoản A với thị trường Việt Nam có thể sử dụng cả 3 phiên GD và lưu ý đến khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty đó.
Ví dụ: NĐT lớn mua 30.000 PVX ở tài khoản A, bán 50.000 PVX ở tài khoản B, nhờ đó NĐT lớn sẽ bán được 20.000 PVX ở giá tốt. Vài hôm sau, Họ "ngừng diễn", giá PVX sẽ đứng hoặc đi xuống, ai mua theo bị thiệt thòi.
Thực tế, có những phiên GD xuất hiện 2 hiện tượng trên, nhưng lại không phải là kỹ xảo của NĐT lớn tạo ra mà do tác động của thông tin thật. Để phân biệt được khi nào TT chịu tác động của kỹ xảo giao dịch, khi nào chịu tác động của thông tin thật, đòi hỏi NĐT phải có kinh nghiệm và bản lĩnh. Quan sát trên sàn giao dịch cho thấy, nhiều NĐT thiếu kinh nghiệm chơi chứng khoán ngắn hạn đã bị “thua liểng xiểng” chỉ vì không nhận biết được các kỹ xảo giao dịch.
Hai kỹ xảo nói trên cũng có thể bị hoá giải nếu một “Tay to” khác "biết bài" và đối lại cách mua, bán của NĐT lớn. Cụ thể, kỹ xảo bán giá sàn có thể hoá giải bằng cách đặt mua ngay giá trần sẽ khiến NĐT lớn bán cổ phiếu giá sàn bị mua mất ngay số cổ phiếu không muốn bán. Kỹ xảo mua giá trần cũng sẽ bị hoá giải nếu có “tay to” khác bán ngay cổ phiếu giá sàn, trường hợp này NĐT lớn đặt mua giá trần sẽ phải mua ngay số cổ phiếu không mong muốn.
3/ Bán chặn giá trên :
Kỹ xảo này cũng nhằm mục đích mua rẻ, nhưng nhẹ tay hơn kỹ xảo 1. “Tay to” muốn mua cổ phiếu giá rẻ, nhưng hoàn cảnh thị trường không cho phép thực hiện kỹ xảo 1, sẽ bán ra số lượng cổ phiếu rất lớn tại một mức giá ở tài khoản A ngay từ đầu giờ ở giá tham chiếu chẳng hạn.
Trong khi ở tài khoản B, họ chỉ đặt mua cổ phiếu với lượng vừa phải và đặt giá dưới tham chiếu. Như vậy NĐT nhỏ muốn bán phải tranh bán dưới giá tham chiếu và số cổ phiếu bán dưới giá tham chiếu này sẽ dễ dàng "sa bẫy" của “Tay to”. Khi đạt yêu cầu, họ có thể ung dung hũy lệnh bán trên – giá cổ phiếu tăng.
4/ Mua chặn giá dưới :
Kỹ xảo này nhằm bán được giá cao, song nhẹ tay hơn kỹ xảo 2. Ngay từ đầu giờ giao dịch, NĐT lớn đặt mua số lượng lớn cổ phiếu ở mức giá nào đó (ví dụ giá tham chiếu) tại tài khoản A và đặt bán số lượng nhỏ ở giá cao hơn giá trên tại tài khoản B. Thấy lượng cung ít quá so với lượng cầu, những NĐT nhỏ lao vào đặt mua giá cao để mua bằng được sẽ bị "mắc bẫy" vì ở một tài khoản khác, NĐT lớn đã trực sẵn lệnh bán lượng lớn cổ phiếu với giá cao.
Các kỹ xảo 1, 2, 3, 4 nói trên làm môi trường giao dịch cổ phiếu mất đi sự lành mạnh và NĐT nhỏ là người chịu thiệt thòi nhất. Khi đạt yêu cầu , “tay to” có thể ung dung hũy lệnh mua bán trên.
5/ "Rải đinh" che giá mua thật :
Vì bảng điện tử chỉ cho phép hiện 3 mức giá mua cao nhất nên NĐT lớn hay nhỏ đều có thể dùng kỹ xảo này để mua được giá tốt nếu không muốn mua trần: Đặt 3 lệnh ở 3 mức giá cao nhất, mỗi lệnh chỉ mua 1 lô, ví dụ 1 lô mua tại giá 35.000, 1 lô mua giá 34.900 và 1 lô mua giá 34.800. Khi đó toàn bộ các lệnh mua khác bị che khuất. Phía sau những thông số giả trên bảng điện là cuộc đấu trí thú vị giữa các NĐT. Có khi phần thắng lại thuộc về người không chủ động "rải đinh". NĐT nước ngoài kinh doanh trên TT Việt Nam cũng học được cách "rải đinh", song họ có tiềm lực tài chính mạnh, nên thường "rải đinh" to như mua 100 lô tại giá 27.000; 100 lô tại 26.900 và 100 lô tại 26.800.
6/ "Rải đinh" che giá bán thật :
Ngược lại với "rải đinh" mua, cách "rải đinh" bán được thực hiện như sau: NĐT đặt bán ở 3 mức giá thấp nhất, ví dụ bán 1 lô giá 32.200, 1 lô giá 32.300, 1 lô 32.400 khiến các lệnh bán khác bị che lấp hoàn toàn. NĐT lớn hay nhỏ đều có thể dùng kỹ xảo này để bán được giá tốt, nếu không muốn bán giá sàn. Khi gặp kỹ xảo "rải đinh", NĐT nên để ý giá khớp dự kiến. Nếu muốn mua, nên đặt trên giá khớp dự kiến một chút là có thể mua được. Nếu muốn bán, nên đặt giá bán dưới giá khớp dự kiến một chút là có thể bán được.
Tuy nhiên, khi có NĐT nào đó hứng lên đặt mua cổ phiếu ngay giá trần hoặc bán cổ phiếu ngay giá sàn thì kỹ xảo 5 và 6 hoàn toàn mất tác dụng.
7/ "Rải đinh" để khớp mua giá thấp:
Kỹ xảo này rất có tác dụng khi TT không "nóng”. Kỹ xảo này có đặc điểm là không đặt mua tất cả lượng cổ phiếu muốn mua ở một mức giá, mà rải ra vài mức giá. Đây là sự lợi dụng nguyên tắc so sánh các sổ lệnh để khớp lệnh ở mức giá gần nhất. Ví dụ, bên bán có 5.000 cp bán ở giá sàn 24.900 ; nếu bên mua đặt 2.000 cp giá trần 27.500 thì thị trường sẽ khớp giá tham chiếu 26.200. Song nếu bên mua lại đặt mua 1.500 cp giá trần 27.500; 200 cổ phiếu ở giá 27.400; 200 cp ở giá 27.300 và 100 cổ phiếu ở giá sàn 24.900 thì người mua sẽ được mua giá sàn.
8/ "Rải đinh" để khớp bán giá cao:
Kỹ xảo này rất có tác dụng Khi TT không "nóng”. Có trường hợp cổ phiếu khớp giá 33.600, nhưng vẫn còn dư mua tại giá 44.100. Trong trường hợp này, nếu người bán tinh ý thực hiện "rải đinh" ở giá bán 44.100 thì cổ phiếu đó sẽ chuyển sang khớp tại giá 44.100. Người bán sẽ bán được cổ phiếu với giá cao hơn 500đ so với cách không dùng kỹ xảo. Do đó, khi muốn bán cổ phiếu, nên quan sát đặt nhiều mức giá để khớp được giá tốt nhất.
Kỹ xảo 7 và 8 đòi hỏi NĐT phải nhanh mắt và có trí nhớ tốt để "rải đinh" chuẩn xác. Các kỹ xảo 5, 6, 7, 8 nhằm giúp “tay to” mua, bán cổ phiếu theo giá tốt nhất và không gây hại cho môi trường đầu tư.
9/ Đè sàn (Fl):
Kỹ xảo này rất có tác dụng khi TT không "nóng”. Ngay đầu phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ (P1-P3), nếu mà “Tay to” muốn mua chưa thể hiện lệnh mua nhưng bên bán đã tung lệnh ATO hoặc ATC thì họ đưa ra 1 lệnh mua giá sàn và ở tài khoản khác đặt mua với lệnh ATO – ATC khi sắp kết thúc phiên giao dịch này. Nếu không có lệnh mua nào khác hoặc có lệnh mua khác nhưng khối lượng nhỏ hơn khối lượng bán ATO, ATC trên kia thì cỏ phiếu sẽ khớp lệnh ở giá sàn.
10/ Đẩy trần(Ce):
Kỹ xảo áp dụng khi TT không "nóng”. Ngược lại với kỹ xảo đè sàn, ngay đầu phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ (P1-P3), nếu mà “Tay to” muốn bán chưa thể hiện lệnh bán nhưng bên mua đã tung lệnh ATO hoặc ATC thì họ đưa ra 1 lệnh bán giá trần và ở tài khoản khác đặt bán với lệnh ATO – ATC khi sắp kết thúc phiên giao dịch này. Nếu không có lệnh bán nào khác hoặc có lệnh bán khác nhưng khối lượng nhỏ hơn khối lượng mua ATO, ATC trên kia thì Ck sẽ khớp lệnh ở giá trần.
Quan trọng: Hai kỹ xảo 9 và 10 này đòi hỏi phải theo dõi và cân đối khối lượng bên bán và bên mua thì kỹ xảo mới có tác dụng.
Trên đây chỉ mới là những chiêu phổ biến để đạt được giá tốt trong giao dịch dựa vào bảng điện. Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên lưu tâm và có những hành động bình tĩnh, chính xác nhất.
Nguồn: Sưu tầm