Sàn UPCOM là gì? Cách thức hoạt động của sàn UPCOM
Trong bài trước chúng ta đã nghiên cứu các khái niệm cơ bản và Thị trường giao dịch cổ phiếu OTC. Trong bài này ta cùng tiếp tục tìm hiểu về Sàn giao dịch UPCOM, trạm trung chuyển các cổ phiếu trước khi niêm yết trên 2 sàn giao dịch Tp.HCM và Hà Nội, sân chơi được đánh giá là an toàn cho các cổ phiếu OTC.
Bài viết thuộc nhóm bài KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN, bạn có thể tham khảo thêm để có nền tảng kiến thức đầy đủ và vững chắc hơn.
Sàn giao dịch UPCOM là gì?
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
UPCOM (Unlisted Public Company Market) dịch sang tiếng việt là thị trường công ty đại chúng chưa niêm yết, như vậy, sàn UPCOM một loại sàn thứ 3 do SGDCK Hà Nội quản lý ngoài hai sàn truyền thống là HOSE và HNX. Hàng hóa giao dịch trên Sàn UPCOM là chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết và cổ phần của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng.
Có thể ví sàn UPCOM như một sàn giao dịch “trung chuyển” giữa sàn ĐCCNY (Đại chúng chưa niêm yết) và sàn giao dịch chứng khoán đã niêm yết (HOSE và HNX). Đối tượng chính gồm các Công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc đã bị hủy niêm yết trước đó.
Nguồn gốc hình thành sàn UPCOM
Ngược dòng trở về năm 2006, năm “bùng nổ” của thị trường chứng khoán Việt Nam, ở thời điểm này, do Bộ Tài Chính quyết định thực hiện việc cắt giảm ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp niêm yết kể từ ngày 1/1/2007, số lượng các công ty niêm yết tăng mạnh, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm. Chỉ riêng tháng 12, số lượng công ty niêm yết tại TTGDCK TP HCM đã lên tới 50 công ty.
Tuy nhiên, sau đó, số công ty lên sàn đã tăng nhưng có thể do nhiều công ty không đủ điều kiện niêm yết hoặc không muốn niêm yết, thị trường tự do (OTC) vẫn quá lớn, lớn hơn gấp vài lần thị trường Sở giao dịch. Thêm nữa, hòa cùng sức nóng của thị trường chung thời điểm này, thị trường OTC cũng không kém phần sôi nổi, xong vì tính phi tập trung, nó lại tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và rất khó quản lý.
Khi đó, việc chuyển nhượng chứng khoán diễn ra một cách trực tiếp, chỉ cần Hợp đồng chuyển nhượng, Sổ cổ đông và Chứng Minh thư là số cổ phiếu tự do trao tay liên tục.
Trong nỗ lực quản lý, kiểm soát thị trường tự do, đồng thời cũng nhằm mang lại một sân chơi tập trung, tăng thanh khoản, đảm bảo an toàn, minh bạch dễ theo dõi cho nhà đầu tư, Chính phủ và các cơ quan quản lý quyết định thành lập sàn giao dịch UPCOM.
Sự ra đời sàn UPCOM và kỳ vọng thu hẹp thị trường OTC
Ngày 24/6/2009, cùng với sự kiện chuyển đổi mô hình hoạt động từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) chính thức được vận hành tại HNX.
UPCOM ra đời mang theo kỳ vọng thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất.
(Ảnh minh họa, nguồn: pixabay)
Tuy quyết định này mang tính mệnh lệnh hành chính nhưng không thực sự hấp dẫn cả các nhà đầu tư và các công ty không chịu niêm yết. Kết quả là UPCOM trong giai đoạn này giao dịch rất kém, hầu như không ai quan tâm, và chính những công ty đã từng niêm yết khi hoạt động không tốt, không còn đủ điều kiện niêm yết nữa lại được chuyển sang giao dịch tại đây.
Điều kiện đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM
Do nằm dưới sự quản lý của SGDCK Hà Nội nên điều kiện, hồ sơ thủ tục chi tiết đã được đăng tải trên website chính thức của HNX, dưới đây là một số ý chính.
Đối tượng đăng ký giao dịch
Các đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định tại Điều 3 Thông tư 180/2015/TT-BTC và Khoản 3 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BTC bao gồm:
a) Công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết
b) Công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán;
c) Công ty hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM nếu vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (bao gồm cả trường hợp bị hủy niêm yết do công ty hình thành sau hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi không đáp ứng điều kiện niêm yết);
d) Doanh nghiệp nhà nước đã chào bán chứng khoán ra công chúng, nếu chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM.
Hồ sơ đăng ký giao dịch (trích Điều 4 Quyết định 634/QĐ-SGDHN)
1. Hồ sơ đăng ký giao dịch của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tại TTLKCK và công ty đại chúng hủy niêm yết trước ngày 01/01/2016 thực hiện theo quy định tại tiết a, b, d Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 4 Thông tư 180/2015/TT-BTC và Khoản 6 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BTC, cụ thể như sau:
a) Giấy đề nghị đăng ký giao dịch chứng khoán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 180/2015/TT-BTC;
b) Thông tin tóm tắt về công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP;
c) Báo Cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền trước năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch của doanh nghiệp, trừ một số trường hợp trong QĐ;
d) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán của TTLKCK và bản sao công văn thông báo cho TTLKCK về việc đăng ký ngày chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch.
2. Hồ sơ đăng ký giao dịch của công ty đại chúng chưa đăng ký chứng khoán tại TTLKCK thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 180/2015/TT-BTC.
a) Hồ sơ đăng ký chứng khoán tại TTLKCK theo quy định pháp luật chứng khoán về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán (nộp cho TTLKCK).
b) Tài liệu quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này (nộp cho SGDCK).
3. Hồ sơ đăng ký giao dịch của doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định pháp luật về cổ phần hóa
a)Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa gắn với đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký giao dịch thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 40/2018/TT-BTC hoặc khoản 5 Điều 28 Thông tư 21/2019/TT-BC (đối với trường hợp doanh nghiệp bán cổ phần theo phương thức dựng sổ).
b)Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa đã hoàn tất việc chuyển dang công ty cổ phần thep quy định pháp luật về công ty cổ phần hóa nhưng chưa chưa đăng ký giao dịch hoặc không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a khoản 3 Điều này, hồ sơ đăng ký giao dịch theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Quá trình, thủ tục đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM
Xem đầy đủ quy chế tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hà nội TẠI ĐÂY (đã bao gồm tất cả thủ tục, hồ sơ, cách thức,… do SGDCKHN công bố).
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Nhìn chung, doanh nghiệp đều phải tự chịu trách nhiệm trong cả quá trình đăng ký giao dịch tại UPCOM từ khâu đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD cho đến khâu hồ sơ lên mà không cần một đơn vị thứ ba nào tham gia gián tiếp, trừ BCTC năm liền trước cần kiểm toán.
Sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký giao dịch tại UPCOM, trong vòng 05 ngày làm việc đối với công ty đại chúng chưa niêm yết, 03 ngày làm việc đối với công ty đại chúng hủy niêm yết, 05 ngày đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, HNX ra quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho doanh nghiệp đăng ký giao dịch tại UPCOM.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch tại HNX, doanh nghiệp gửi công văn cho HNX về việc đăng ký ngày giao dịch đầu tiên, giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên. Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu cũng do chính doanh nghiệp tính toán và đưa ra.
Phương thức giao dịch của sàn UPCOM
SGDCK Hà Nội tổ chức giao dịch đối với chứng khoán đăng ký giao dịch thông qua hệ thống giao dịch UPCOM theo 2 phương thức.
- Khớp lệnh liên tục: là phương thức giao dịch được hệ thống thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch. Giá khớp là mức giá của các lệnh giới hạn đối ứng đang nằm chờ trên sổ lệnh.
- Khớp lệnh thỏa thuận: Là phương thức giao dịch mà bên mua và bên bán tự thỏa thuận với nhau về các điều kiện giao dịch, sau đó thông báo cho công ty chứng khoán ghi nhận kết quả giao dịch vào hệ thống giao dịch. Hoặc bên mua/ bên bán thông qua công ty chứng khoán để tìm đối tác giao dịch thỏa thuận đối ứng.
Cập nhật hoạt động của sàn UPCOM
Cùng với sự vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam, sàn UPCOM hiện nay đã phát triển hơn những năm 2006, 2007 rất nhiều, đã có những cải tiến, những lần mở rộng quy mô thị trường ấn tượng.
Các sự kiện lớn của thị trường UPCOM
24/6/2009, Phó Thủ tưởng Nguyễn Sinh Hùng nhấn nút khai trương thị trường UPCOM với 10 doanh nghiệp đầu tiên với tổng giá trị đăng ký giao dịch 1.231 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch đầu tiên, có gần 1,1 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị giao dịch đạt 18,9 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt 2.230 tỷ đồng.
19/7/2010, Áp dụng bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục đối với giao dịch cổ phiếu trên UPCOM, bên cạnh phương thức giao dịch thỏa thuận thông thường và thỏa thuận điện tử.
4/4/2011, Triển khai áp dụng giá tham chiếu của cổ phiếu mới do tổ chức đăng ký giao dịch đề xuất và Sở GDCK Hà Nội phê duyệt, và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu mới và cổ phiếu giao dịch trở lại trên UPCOM là ± 40%.
1/7/2015, Nới biên độ dao động giá trên thị trường UPCOM từ ±10% lên ±15% nhằm tăng tính hấp dẫn đối với giao dịch cổ phiếu UPCOM, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường.
4/1/2016, Thay đổi cách tính UPCOM Index áp dụng phương pháp tính trên cơ sở giá trị vốn hoá thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, thay vì tính gộp tất cả những cổ phiếu đang lưu hành như trước đây, nhằm phản ánh chính xác hơn tính thanh khoản và tình hình giao dịch của các cổ phiếu trên thị trường.
19/5/2017, Sở GDCK Hà Nội điều chỉnh phân bảng UPCOM theo quy mô vốn giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân loại và quản lý một lượng lớn hàng hóa trên UPCOM.
Quy mô thị trường
Chỉ với 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch buổi đầu khai trương, tính đến hết tháng 5/2018,UPCOM có 738 doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Vốn hóa thị trường đạt 656.436 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX cùng thời điểm. 2016, 2017 là 2 năm quy mô vốn hoá tăng trưởng cao nhất với mức tăng lần lượt 397%, 123,4%.
Thanh khoản trên UPCOM 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt mức 462 tỷ đồng/phiên, gần bằng 50% giá trị giao dịch trên thị trường niêm yết HNX. Thậm chí trong năm 2017, UPCOM đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị giao dịch đạt 1.463 tỷ đồng/phiên, cao gấp 2,3 lần giá trị giao dịch bình quân phiên trên thị trường niêm yết HNX năm 2017.
Cổ phiếu UPCOM ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm 2016,2017, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm khoảng 15,5% - 16,5% giá trị giao dịch UPCOM. Có nhiều thời điểm thị trường biến động, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu trên thị trường niêm yết nhưng lại mua ròng trên UPCOM.
Trên đây là những chia sẻ đôi điều về sàn giao dịch UPCOM, rất mong cung cấp đưuọc thông tin hữu ích tới bạn đọc. Chúc bạn sớm thành công trong sự nghiệp đầu tư của mình!
—————————————————————
Các nội dung liên quan:
Cổ phiếu OTC và Thị trường giao dịch cổ phiếu OTC
Chứng khoán đã niêm yết | Điều kiện niêm yết | và Chứng khoán chưa niêm yết
Công ty đại chúng | Công ty đại chúng quy mô lớn là gi? | Có gì khác với công ty chưa đại chúng
Cổ phiếu là gì? Các loại cổ phiếu
Những sai lầm thường thấy trong đầu tư chứng khoán
Kênh bổ túc kiến thức cơ bản cho người mới
—————————————————————
KHÓA ĐÀO TẠO CHỨNG KHOÁN:
- Khóa học Chứng khoán cơ bản miễn phí, TẠI ĐÂY
- Khóa học Đầu tư chứng khoán nâng cao, TẠI ĐÂY
- Khóa huấn luyện đầu tư chứng khoán, TẠI ĐÂY
—————————————————————
Lớp học chứng khoán
—————————————————————