Báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại
Báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại là gì? Có khác biệt gì so với Báo cáo tài chính Doanh nghiệp thông thường? Hãy cùng Chứng khoán Trí Đức tìm hiểu qua bài viết sau đây.
- Hệ thống chế độ kế toán Ngân hàng Thương mại
Như chúng ta đã biết, Ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp mà tài sản của nó chủ yếu là các tài sản tài chính. Chính vì vậy, cần có một Hệ thống kế toán riêng phù hợp để phản ánh đúng các nghiệp vụ của NHTM.
Hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho NHTM tại Việt Nam hiện nay, gồm các quy định cơ bản sau:
- Hệ thống Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS); và kế toán Việt Nam (VAS), trong đó trực tiếp là chuẩn mực số 22 v/v Trình bày bổ sung BCTC của NH và TCTC tương tự (ban hành và công vố theo QĐ số 12/2005/QĐ-BTC ban hành ngày 15/02/2005 của Bộ tài chính).
- Hệ thống Tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng Việt Nam theo QĐ số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/04/2004 v/v Ban hành hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng và các vản bản bổ sung sửa đổi.
- Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 v/v Ban hành chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng….
2. Báo cáo tài chính Ngân hàng Thương mại là gì?
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Hệ thống Báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại được quy định tại Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 v/v Ban hành chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng.
Hệ thống báo cáo tài chính đối với các NHTM cũng gồm 4 báo cáo cơ bản là:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Thuyết minh báo cáo tài chính
Về nguyên tắc kế toán và chế độ báo cáo tài chính của NHTM cơ bản cũng giống như các Doanh nghiệp thông thường như: (i) Hoạt động liên tục, (ii) cơ sở dồn tích, (iii) nhất quán, (iv) trọng yếu và tập hợp, (v) bù trừ, (vi) có thể so sánh
NHTM cũng phải thực hiện các nội dung quy định cụ thể tại các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam khác có liên quan.
Điểm khác nhau cơ bản nằm ở tính chất tài sản của NHTM chủ yếu là tiền nên phải áp dụng hệ thống tài khoản và Mẫu biểu trình bày phù hợp với các nghiệp vụ phát sinh.

3. Loại báo cáo tài chính và kỳ báo cáo
NHTM cũng có các loại báo cáo tài chính và kỳ báo cáo như Doanh nghiệp thông thường, Cụ thể:
Các loại báo cáo gồm:
- Báo cáo tài chính riêng
- Báo cáo tài chính hợp nhất
Kỳ báo cáo
- Báo cáo tài chính năm
- Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét
- Báo cáo tài chính quý
Ngoài ra theo yêu cầu quản lý, các NHTM có báo theo tháng, ngày…
Ngân hàng thương mại có trách nhiệm lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện về thời điểm lập và thời hạn nộp báo cáo tài chính.
Trên đây là Các quy định về Báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại, chúng ta sẽ tìm hiểu từng báo cáo tại các bài tiếp theo. Hãy để lại bình luận cuối bài viết về vấn để bạn quan tâm hoặc liên hệ Lớp học Chứng khoán để trao đổi kỹ hơn.